Bà Trần Uyên Phương: Văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi với Tân Hiệp Phát trong giai đoạn thách thức lẫn hiện tại

Thi Quân/ Báo VnExpress

Các diễn giả tham gia tọa đàm. Từ trái qua: ông Ngọ Duy Hiểu, ông Lê Duy Bình và bà Trần Uyên Phương

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chuyên gia kinh tế… cho rằng công ty mạnh thường có nền tảng văn hóa doanh nghiệp tốt và ngược lại.

Trong tọa đàm “Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp để thích ứng linh hoạt với đại dịch”, phát sóng 14h ngày 20/12, trên VnExpressông Lê Duy Bình – chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam – cho biết, đợt dịch thứ tư để lại hậu quả nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục thống kê và nhiều cơ quan… số lượng công ty đóng cửa, ngừng hoạt động trong quý III lập kỷ lục từ trước đến nay; đơn vị thành lập mới cũng ở mức thấp nhất.

Các khảo sát của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho thấy, 93-94% doanh nghiệp nói họ bị ảnh hưởng hết sức tiêu cực hoặc tiêu cực, cao hơn so 87% hồi năm 2020. Dịch tác động trên diện rộng, cứ 10 công ty thì có 9 buộc phải cho nhân viên nghỉ việc.

Thực trạng trên thể hiện rõ qua số liệu quý III, gần 4,7 triệu lao động mất việc, 14,7 triệu người tạm dừng công việc; trên 10 triệu nhân sự giảm giờ làm. Trong đó, 4,59% nhân sự ở vùng Đông Nam bộ và 44,7% nhân viên ở ĐSCL bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn hay nghỉ việc.

Theo số liệu của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), có 69 doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động thời dịch, dẫn đến loạt khó khăn khác gồm: tài chính, khả năng thanh khoản, giữ chữ tín với khách hàng trong lẫn ngoài nước, khó đảm bảo an sinh cho cán bộ, công nhân viên…

Nhiều lĩnh vực kiệt quệ vì Covid-19, điển hình là du lịch, hiện vẫn đắm chìm trong khủng hoảng, khó phục hồi như trước dịch. Từ đây, nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng không nhỏ như giao thông (hàng không, tàu xe…), hậu cần du lịch (nhà hàng, khách sạn, lữ hành, khu vui chơi giải trí…).

Trước nhu cầu tiêu dùng, mua sắm ngày càng tăng của thị trường toàn cầu, nhiều doanh nghiệp trong nước không thể cung ứng kịp thời vì phải đảm bảo quy định phòng chống dịch, dẫn đến đứt gãy ở khâu sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Do không đảm bảo được sinh kế, nhiều lao động buộc phải hồi hương, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự tại những trung tâm sản xuất lớn, nhất là vùng Đông Nam Bộ. Hiện nhiều doanh nghiệp đã tái sản xuất, không ít công nhân đã quay lại nhà máy.

“Chúng ta chờ đợi một tháng nữa để thấy con số chính thức về khả năng tạo ra lợi nhuận, sinh lời của các doanh nghiệp lẫn nền kinh tế”, ông Lê Duy Bình nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho rằng văn hóa là nền tảng ứng xử của một tổ chức, có vai trò rất lớn trong việc tạo niềm tin giữa nhân viên với người sử dụng lao động và ngược lại.

Văn hóa cũng là sợi dây gắn kết tập thể, giữa nhân viên với nhau, nhân sự với chủ sở hữu lao động. Đồng thời là nền tảng sẻ chia, giá trị tinh thần được nhân lên, tạo sức mạnh cho tổ chức.

Ông Hiểu nhấn mạnh ý người lao động thường coi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai, nếu nơi đó ấm áp, tràn ngập yêu thương. Đó cũng là động lực lớn thúc đẩy họ nâng cao năng suất. Lúc công ty làm ăn tốt, nhân viên hết mình gắn bó, khó khăn xảy đến, họ sẽ sẵn sàng sẻ chia, dốc sức gấp 2-3 lần, cùng vượt khủng hoảng. Những công ty mạnh thường có nền tảng văn hóa doanh nghiệp tốt và ngược lại.

Ở góc độ tổ chức, ông Hiểu nhấn mạnh ba ý: doanh nghiệp phải coi văn hóa là một phần trong chiến lược phát triển; chú trọng xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo và người lao động bằng niềm tin; làm sao để khi công ty biến động, nhân sự không rời bỏ và ngược lại, dù khó khăn, ban lãnh đạo cũng phải quan tâm, đảm bảo sinh kế của nhân viên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tạo được động lực để người lao động tin rằng môi trường mình đang làm việc thực sự tôn trọng con người, giúp họ phát huy sáng kiến, thể hiện kỹ năng lao động và đó phải là nơi công bằng, tuân thủ pháp luật.

“Tôi tin rằng nếu tiếp cận như vậy, dù khủng hoảng chúng ta cũng sẽ vượt qua được”, ông Ngọ Duy Hiểu nói thêm.

Với vai trò khách mời, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát – chia sẻ về trạng thái bình thường mới của công ty. Theo bà, doanh nghiệp vẫn hoạt động với “ba xanh” gồm: nhà máy xanh; người lao động đã tiêm vaccine, được xét nghiệm một tuần một lần và nhà ở vùng xanh.

“Nhà ở vùng xanh là thách thức với chúng tôi hiện nay. Lý do khá nhiều nhân viên đang sinh sống trong vùng vàng, cam, không thể đến công ty. Do đó, chúng tôi vẫn duy trì một số hoạt động triển khai từ giai đoạn ‘ba tại chỗ’ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số như: họp qua zoom, công tác đào tạo cũng được đưa lên nền tảng số cho đến các hoạt động ký duyệt…”, bà Uyên Phương lý giải.

Doanh nghiệp còn ứng dụng SharePoint (nền tảng quản lý tài liệu và cộng tác dựa trên web) để mọi người có thể theo dõi và kiểm soát xử lý công việc …”.

Văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi với Tân Hiệp Phát trong giai đoạn thách thức lẫn hiện tại. Đội ngũ lãnh đạo tạo mọi điều kiện để nhân viên có thể làm chủ công việc, duy trì sinh kế. Nhân sự có thể tình nguyện vào “ba tại chỗ” nếu sắp xếp tốt cuộc sống cá nhân; gia đình có con nhỏ hoặc không ai trông coi, sẽ được làm việc tại nhà. Dù làm tại chỗ hay từ xa, đều không có sự khác biệt, không lơ là. Mọi người hỗ trợ tuyệt đối, mang lại cho nhau cảm giác “nếu anh khó khăn, chúng tôi sẽ ở phía sau”.

“Từ nhà sáng lập, lãnh đạo cấp cao đến từng nhân viên đều hiểu: doanh nghiệp vẫn duy trì, chúng ta mới có thể vượt qua, từ đó nghĩ đến việc tạo đà quay trở. Nếu không thể phục hồi 100%, sẽ cố gắng đạt 70, 80 hoặc 90% so với trước đây. Nhưng một khi đã sụp đổ hoặc ngưng sản xuất, mọi thứ sẽ rất khó khăn, hậu quả không lường được. Do đó, ai cũng hiểu trách nhiệm của mình, góp phần duy trì tổ chức cũng là trách nhiệm xã hội, nuôi sống chính bản thân và gia đình”, bà Uyên Phương nói.

Suốt giai đoạn dịch cao điểm đến hiện tại, đội truyền thông Tân Hiệp Phát hoạt động hết công suất, ra bản tin hàng ngày, liên tục cập nhật thông tin mới nhất cho khối văn phòng cũng như khối sản xuất. Qua đó giúp mọi người hiểu rõ tình hình, chuyện gì đang xảy ra, chúng ta đã đi được bao xa, triển khai thế nào?

Tập thể lãnh đạo, nhân viên luôn nằm lòng phương châm “không gì là không thể” và “tốt hơn hôm qua”, thời điểm này không thể hoàn hảo ngay được nhưng mỗi ngày sẽ tốt hơn một chút.

Bà Uyên Phương dẫn lại câu chuyện đáng nhớ về vệ sinh an toàn thực phẩm khi khoảng 50 nhân viên bị đau bụng, lúc ấy công ty mới phát hiện ra không nên nấu sôi ruốc. Món này mang đặc trưng vùng miền, những người bụng yếu, không quen dễ có phản ứng. Sau đó, đội bếp liên tục bàn bạc, cải tiến từng ngày, lựa chọn thực phẩm đơn giản nhưng quen thuộc để ai cũng có thể thưởng thức.

NGUỒN:  Theo Báo VnExpress

Link bài: Bà Trần Uyên Phương…

https://vnexpress.net/van-hoa-doanh-nghiep-la-gia-tri-cot-loi-4405593.html

(Xin phép thay cái tựa)