Để xây dựng thương hiệu trăm năm, Tân Hiệp Phát liên kết như máu thịt với các nhà cung cấp

Từ chỗ quan hệ với các nhà cung cấp theo kiểu “mua đứt bán đoạn”, Tân Hiệp Phát đã phối hợp với họ xây dựng tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh, rồi chia sẻ bí quyết thành công với họ.

Giải pháp để các thương hiệu Việt liên kết chặt chẽ và hiệu quả để cùng phát triển là chủ đề trong buổi tọa đàm “Kết nối thương hiệu Việt” do báo Nhà Đầu Tư tổ chức ở Hà Nội vào ngày 29/11.

Là một trong những doanh nghiệp lớn dự buổi tọa đàm, bài tham luận của Tân Hiệp Phát có nhiều thông tin thú vị với những người tham gia.

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát, khẳng định ngay từ khi mới ra đời, Tân Hiệp Phát đã xác định rằng họ phải đồng hành cùng các đối tác như nhà cung cấp.

Các diễn giả, doanh nhân dự buổi tọa đàm “Kết nối Thương hiệu Việt ” ở Hà Nội hôm 29/11. Ảnh: Nhạc Phong

Tinh thần hợp tác của Tân Hiệp Phát, theo bà Phương, thể hiện ngay từ cái tên của tập đoàn. “Hiệp Phát” có nghĩa là hợp tác để phát triển.

Quá trình hợp tác với các nhà cung cấp đã dẫn đến sự thay đổi tư duy của ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát.

Ban đầu, quan hệ giữa Tân Hiệp Phát với các nhà cung cấp giống như quan hệ đối tác thông thường, nghĩa là “mua đứt, bán đoạn”. Sau đó, tập đoàn nâng tầm mối quan hệ hợp tác lên tầm cao mới bằng cách phối hợp cùng các nhà cung cấp để xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh.

“Hiện tại, chúng tôi đã tiến tới giai đoạn thứ ba: Chia sẻ để thành công. Chúng tôi quan niệm rằng Tân Hiệp Phát chỉ có thể đạt tới tầm nhìn mà tập đoàn mong đợi nếu chúng tôi liên tục chia sẻ để học hỏi và tìm giải pháp cùng các nhà cung cấp”, bà Phương bình luận.

Không chỉ chia sẻ những bí quyết của tập đoàn – như giải pháp quản trị doanh nghiệp gia đình, Tân Hiệp Phát còn tổ chức nhiều chương trình cùng với các nhà cung cấp, như các sự kiện kết nối giao thương.

“Ban lãnh đạo tập đoàn tổ chức rất nhiều buổi chia sẻ, tọa đàm với các nhà cung cấp để cùng nhau tìm cách giải quyết các vấn đề”, bà Phương kể.

“Học hỏi hay bắt chước” là câu hỏi mà ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát luôn trăn trở. Đó là lí do mà bà Uyên Phương quyết định xuất bản cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ”.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ảnh: Nhạc Phong

Nữ doanh nhân kể rằng, khi bà học một khóa bên Mỹ, những người Mỹ trong lớp rất muốn biết bí quyết để Tân Hiệp Phát cạnh tranh với một tập đoàn nước giải khát lớn nhất toàn cầu Coca-Cola, và họ không tin Coca-Cola không phải là thương hiệu nước giải khát số một ở Việt Nam.

“Những người từ các quốc gia khác nói rằng, ở đất nước của họ, những câu chuyện như thế không tồn tại, và họ không có câu chuyện tương tự để chia sẻ”, nữ doanh nhân thổ lộ.

Khi bà Uyên Phương trình bày ý tưởng xuất bản cuốn sách về Tân Hiệp Phát với tạp chí Forbes, ban lãnh đạo tạp chí đồng ý vì họ muốn độc giả thế giới biết những chiến lược kinh doanh mà Tân Hiệp Phát áp dụng để cạnh tranh thành công với Coca-Cola, một biểu tượng của nước Mỹ.

Mục tiêu của Tân Hiệp Phát là “xây dựng thương hiệu trăm năm” và hiện tại, bà Uyên Phương khẳng định tập đoàn đã có đủ cơ sở để tin mục tiêu ấy sẽ thành hiện thực, dù họ mới chỉ bước sang tuổi 25.

Đối với Tân Hiệp Phát, xây dựng thương hiệu là quá trình đầu tư và tìm sứ mệnh, giá trị cho thương hiệu.

“Nếu thương hiệu không có giá trị, chúng tôi chỉ coi đó là nhận biết thương hiệu, chứ không phải là tầm nhìn của thương hiệu”, bà Phương bình luận.

Sự thay đổi trong kinh doanh, theo bà Uyên Phương, đòi hỏi sự dịch chuyển trong cấu trúc doanh nghiệp. Nếu cấu trúc, qui trình thay đổi không kịp, bộ máy vận hành quá nặng nề, sự thay đổi trong kinh doanh sẽ không xảy ra.

“Biến đổi trong cấu trúc đòi hỏi sự thay đổi về tư duy quản trị, văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi sự thay đổi của người lãnh đạo. Nếu người dẫn dắt vẫn giữ nguyên tư duy cũ, doanh nghiệp sẽ không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn”, bà Uyên Phương lập luận.

Nhạc Phong/ theo Vietnambiz.vn