Tân Hiệp Phát đang ở đâu trên thị trường nước giải khát Việt

Thị trường nước giải khát sau thời gian phát triển nóng đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nội đã dừng chân bởi tiềm lực tài chính hạn hẹp, công nghệ lạc hậu.

Tại Việt Nam, bình quân người Việt tiêu thụ nước giải khát trên 23 lít/người/năm. Theo Hiệp hội Bia rượu – Nước giải khát các dòng sản phẩm này chiếm lượng sản xuất và tiêu thụ lên đến 85% sản lượng của cả nước.

Thị trường nước giải khát 2017 ra sao?

Trong nửa năm đầu 2016, ngành sản xuất đồ uống tăng 6,3% so với cùng kỳ. Đến năm 2020, con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 8,3-9,2 tỷ lít/năm.

bieudotron-nuoc-giai-khat

BMI (Tập đoàn khảo sát thị trường Anh) dự báo doanh thu bán hàng nước giải khát nói chung tăng với tốc độ trung bình 14,2%, đạt 136.000 tỷ vào năm sau.

Trong đó, lượng tiêu thụ nước giải khát không cồn tại Việt Nam sẽ tăng lên 2,7 tỷ lít vào năm 2017, tương ứng với tốc độ tăng trưởng trung bình là 7%.

Sự có mặt của khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát, chứng tỏ sức thu hút to lớn của thị trường nước giải khát Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu – nước giải khát cho biết, thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam đang thể hiện sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư.

Nguyên nhân là mức tăng trưởng nội địa liên tục duy trì con số ấn tượng với 6-7%/năm, trong khi các nước Pháp, Nhật Bản chỉ kỳ vọng đạt 2%/năm.

Trong số doanh nghiệp nội còn lại, Tân Hiệp Phát là một trong những thương hiệu xứng tầm đối trọng với các hãng nước giải khát quốc tế tại thị trường Việt Nam.

Ngành nước giải khát: Chặng đường phát triển nóng

Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ đầu những năm 2000, ngành nước giải khát đã viết nên câu chuyện ly kỳ về sức tăng trưởng, đem lại những đóng góp to lớn cho nền kinh tế.

Trong 15 năm qua, con số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nước giải khát đã tăng lên hơn 1.800. Từ hoạt động cầm chừng với công nghệ thủ công, đến nay sản lượng đã lên tới 4,8 tỷ lít/năm.

Có doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát đã sử dụng những công nghệ hiện đại như dây chuyền Aseptic.

tan-hiep-phat-tren-thi-truong-nuoc-giai-khat-viet
Hơn một thập kỷ qua, ngành nước giải khát đã ghi dấu ấn đậm nét trong nền kinh tế đất nước.

Theo ghi nhận của VietinBankSc, chỉ tính riêng doanh thu ngành nước giải khát không cồn năm 2014 đã đạt ngưỡng 80.0320 tỷ đồng, năm 2015 là 85.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng ngành luôn trong trạng thái phi mã ở mức 5-7%.

Đặc biệt giai đoạn 2011-2014, phân khúc nước giải khát không cồn đạt đỉnh 13,48% – gấp đôi mức tăng trưởng GDP Việt Nam.

Tại các thị trường lớn như Pháp, Nhật, mức tăng trưởng kỳ vọng chỉ ở ngưỡng 2%/năm. Đây là một so sánh thú vị để thấy sự tăng trưởng của ngành nước giải khát Việt Nam hứa hẹn đến mức nào.

Những con số “vô tiền khoáng hậu” mà ngành nước giải khát đã đạt được trong khoảng 15 năm qua có sự đóng góp không nhỏ của hàng nghìn doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong nước.

Chính những đơn vị này đã tạo ra bức tranh đa dạng của ngành nước giải khát Việt với hàng trăm sản phẩm đủ chủng loại, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.

Tân Hiệp Phát – doanh nghiệp nước giải khát Việt giàu sức cạnh tranh

Khi nhiều doanh nghiệp Việt dần “rơi rụng” bởi những cuộc thâu tóm, sáp nhập, Tân Hiệp Phát trở thành doanh nghiệp hiếm hoi đủ sức cạnh tranh với các “ông lớn” thế giới.

“Sở dĩ còn lại Tân Hiệp Phát cạnh tranh với các thương hiệu ngoại bởi doanh nghiệp nội khác không đủ tiềm lực tài chính, công nghệ để bắt kịp thị trường trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt”, một chuyên gia trong ngành nhận định.

quy-trinh-san-xuat-nuoc-giai-khat-viet
Công nghệ hiện đại cùng chiến lược phát triển đúng đắn đã giúp Tân Hiệp Phát đứng vững trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu ngoại.

Đầu những năm 2000, khi mặt bằng công nghệ Việt Nam còn ở mức lạc hậu, Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhà máy nước tăng lực đóng chai thủy tinh duy nhất tại Việt Nam.

Đồng thời đây là một trong số ít doanh nghiệp trên thế giới có khả năng tự cung cấp bao bì khép kín.

Tiếp đó, Tân Hiệp Phát mở rộng quy mô, xây dựng hàng loạt nhà máy tại Hà Nam, Chu Lai, Hậu Giang và đầu tư công nghệ Aseptic có tổng trị giá lên tới 300 triệu USD nhằm nâng công suất lên mức 2,4 tỷ lít/năm.

Tân Hiệp Phát đầu tư 300 triệu USD vào công nghệ Aseptic

“Điều quan trọng không hẳn là công nghệ hay ngồi đợi thị trường mà các doanh nghiệp phải sáng tạo hơn nữa để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Việc ra sản phẩm mới là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt này”, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát nói.

Với việc sở hữu hàng loạt sản phẩm chủ lực trên thị trường nước giải khát không gas như Trà thảo mộc Dr Thanh, Trà xanh Không độ, Tân Hiệp Phát đã thu về hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Thương hiệu này tham vọng trong 10 năm tới sẽ tăng lên mức 3 tỷ USD.

Bước tiến nhanh chóng của Tân Hiệp Phát khiến các thương hiệu ngoại nhiều lần tìm cách thôn tính. Nhưng sự kiên cường của doanh nghiệp này luôn giúp họ lớn mạnh thêm trong một thị trường quá nhiều đối thủ.

Nhìn từ Tân Hiệp Phát để thấy, chiến lược phát triển và công nghệ đã tác động lớn đến sự tồn vong của mỗi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dưới sức ép của thị trường, không phải doanh nghiệp nào cũng đưa ra được con đường đúng, vượt qua những điểm yếu cỗ hữu để sánh ngang với các doanh nghiệp đa quốc gia.

Theo Zing