Vì sao Tân Hiệp Phát từ chối 2,5 tỉ USD từ đối tác nước ngoài

Đó là câu hỏi của một đại biểu với bà Trần Uyên Phương – Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng ngày 2.4.

Bà Trần Uyên Phương tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn”

Đưa “tỉ đô” nhưng ép không ra sản phẩm mới

Bà Trần Uyên Phương chia sẻ, câu chuyện này xảy ra từ năm 2012, khi Coca-Cola đến gõ cửa và đưa ra con số “khổng lồ” để mua cổ phần của THP. Thú nhận là ở thời điểm đó, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cảm thấy rất phấn khởi và cho đó là một cơ hội lớn, Tân Hiệp Phát cũng không ngoại lệ. Mất gần 1 năm trời đàm phán, chia sẻ chủ trương phát triển công ty… nhưng cuối cùng, THP đã từ chối lời mời hợp tác trị giá 2,5 tỉ USD từ “ông lớn” này.

Theo bà Trần Uyên Phương, các doanh nghiệp cũng muốn giảm thiểu rủi ro, muốn góp vốn, muốn chia sẻ tầm nhìn chiến lược của mình. Doanh nghiệp nhỏ thì muốn có thêm nội lực để lớn hơn, còn doanh nghiệp lớn thì muốn “hổ mọc thêm cánh”. “Nhưng chúng tôi cho rằng tiền không phải là tất cả. Đối tác yêu cầu THP chỉ được bán sản phẩm ở Việt Nam, Lào và Campchia và không được ra các sản phẩm mới nữa. Đó không phải là sứ mệnh và tầm nhìn của THP. Chúng tôi mong muốn mang những sản phẩm của châu Á ra thế giới, đó là lý do chúng tôi tiếp tục đầu tư vào các nhà máy mới và từ chối lời đề nghị vào năm 2012” – bà Phương nhớ lại
Thế nhưng lời từ chối đó, theo bà Trần Uyên Phương không có nghĩa THP đóng cửa với những lời đề nghị khác. THP vẫn luôn chia sẻ luôn mong đợi những đối tác để trở thành công ty hàng đầu châu Á. Muốn làm điều đó, THP cần có thêm rất nhiều sự chung tay nhưng thời điểm chưa phù hợp nên chúng tôi vẫn còn một mình với sứ mệnh “doanh nghiệp ra thế giới”.

“Doanh nghiệp địa phương mà cũng có tiền đầu tư công nghệ Aseptic à?”

Đó là câu hỏi không chỉ trong nước mà ngay cả đối tác Đức của Tân Hiệp Phát khi mới nhận yêu cầu cũng nghi ngờ. Đó là năm 2014 công ty đầu tư 10 dây chuyền công nghệ Aseptic trị giá lên tới 300 triệu USD của Tập đoàn GEA (Đức). Khi công bố điều này, mọi người đều nói “bốc phét”. Bởi không thể nào có một doanh nghiệp địa phương dám nghĩ đến đầu tư công nghệ Aseptic, đừng nói đến đầu tư tới 10 dây chuyền. “Mọi người nghĩ vậy cũng bình thường bởi khi đàm phán với doanh nghiệp Đức về dây chuyền Aseptic từ những năm 2007-2008, họ cũng không tin rằng một công ty địa phương có tiền để trả. Việc đàm phán kéo dài 7 năm sau mới ký kết được hợp đồng. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ Aseptic đã thay đổi chất lượng của nước giải khát. Đó là câu chuyện rất thách thức cho các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp đang phát triển để làm sao mà chúng ta vươn lên” – bà Phương nhớ lại và thông tin thêm, THP vừa hoàn tất nhà máy ở Hậu Giang, đó là nhà máy phục vụ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và phục cho hoạt động xuất khẩu vì nó thuận tiện ở đường biển.
Bà Trần Uyên Phương chia sẻ câu chuyện của THP tại hội thảo
Lý do “chơi lớn” theo bà Phương : “Chúng tôi vẫn nghĩ là chất lượng phải là yếu tố đầu tiên, chất lượng bao gồm từ mùi vị đến sản phẩm”.
“Vậy đi ra thế giới thế nào, nhất là với ngành nước giải khát, Việt Nam chỉ là một tân binh?”. Bà Trần Uyên Phương chia sẻ: Đây là câu chuyện rất khó, đặc biệt là ngành nước giải khát. Một sản phẩm bình quân từ 8.000 – 10.000 đồng cho nên việc thay đổi khẩu vị, sở thích của người tiêu dùng rất nhanh, chỉ cần một thông tin sai lệch là họ có thể chuyển đổi sang một thương hiệu khác. Vì thế, làm sao xây dựng được uy tín, xây dựng được thương hiệu từ VN, từ đó xây dựng thương hiệu ra thế giới là một trong những bài toán mà THP trăn trở.
“Một lần nữa khẳng định sản phẩm của THP sẽ ra thị trường thế giới”, bà Trần Uyên Phương nhấn mạnh. Hiện nay xu hướng của người tiêu dùng hướng về các sản phẩm tự nhiên Organic, những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Ở châu Á sở hữu nhiều công thức, bí quyết mà ở châu Âu, ở Mỹ họ không hiểu vì sao người châu Á ngày càng trẻ. Châu Á có bí quyết về công thức, thảo mộc, điều mà người tiêu dùng châu Âu, Mỹ muốn, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.
Trả lời câu hỏi, đâu là cốt lõi để đem thương hiệu Việt ra thế giới, bà Phương khẳng định, xuất phát từ người tiêu dùng. Họ có nhu cầu, chúng ta tạo nhu cầu, xuất phát từ nhu cầu và khi đó liên quan đến chất lượng. Đó là chất lượng toàn diện, từ chất lượng nước trong chai đến bao bì sản phẩm sao cho phù hợp. Sau chất lượng phải nói đến quy trình kiểm soát như thế nào, con người như thế nào, sau khi hoàn tất chai sản phẩm, các hoạt động về phân phối, marketing.
Bà Trần Uyên Phương: “Với khát vọng, mong muốn, cũng như chúng tôi nhìn thấy nhu cầu hiện nay đang có, vậy làm sao để các doanh nghiệp vươn xa hơn? Một trong những điều chúng ta nhấn mạnh “biển lớn” không chỉ ra khỏi biên giới, mà hiện nay chúng ta gặp rất nhiều sự cạnh tranh. Nên không phải ra khỏi VN mới là biển lớn mà ngay trong sân nhà cũng là biển lớn. Rất nhiều sự đầu tư, doanh nghiệp có kinh nghiệm sừng sỏ muốn vào VN, các doanh nghiệp cần phải cải tiến, hoàn thiện mình để có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường”.
(Thanh Xuân/theo thanhnien.vn)