Thông điệp về tình cảm gia đình trong vở kịch “Chuyện nhà Dr.Thanh”

Vào 23/9/2018, vở kịch Chuyện nhà Dr.Thanh, do nhà biên kịch Lê Chí Trung chấp bút, phỏng theo quyển sách cùng tên của nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, đã chính thức công diễn tại nhà hát VOH (Đài tiếng nói TP.HCM).

Với thông điệp “Trên cuộc đời này, không có bất cứ thứ gì quý giá hơn tình thân, tình cảm gia đình”, vở kịch Chuyện nhà Dr.Thanh đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Không ít khán giả phải suy ngẫm về chính câu thông điệp đầy tính nhân văn mà nữ tác giả Trần Uyên Phương và nhà biên kịch Lê Chí Trung gửi gắm. Vở kịch là hành trình từ khi ông Trần Quí Thanh còn là một chàng trai “ăn chơi quậy phá” cho đến những tháng ngày trưởng thành, để rồi va vấp, thăng trầm trên con đường gây dựng tên tuổi cho thương hiệu Tân Hiệp Phát.

Buổi công diễn vở kịch Chuyện nhà Dr.Thanh diễn ra thành công

Nữ doanh nhân, tác giả Trần Uyên Phương là người tham gia vai trò dẫn dắt vở kịch qua từng phân đoạn.

Nữ tác giả Trần Uyên Phương trò chuyện với diễn viên trước giờ lên sân khấu

Từng lớp kịch cũng chính là những mảnh ghép xoay quanh cuộc đời cha cô – người đàn ông sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát, lần lượt đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc. Khi thì bất ngờ với thời niên thiếu “giang hồ” ăn chơi, khi thì cảm phục bởi ý chí và quyết tâm thay đổi của cậu thanh niên Trần Quí Thanh. Nhưng cũng có khi là sự xúc động dâng trào bởi câu chuyện tình của ông Thanh và bà Nụ.

Hình ảnh ông Thanh hiện lên là con người có ý chí sắt đá và vô cùng đào hoa với những mối tình trai trẻ nóng bỏng. Nhưng cũng là người đàn ông giàu tình cảm ẩn dưới lớp vỏ của một người chồng, người cha nghiêm khắc. Và sau cùng, khán giả thêm thấm thía về những tình cảm gia đình – sợi chỉ đỏ dẫn dắt con người ta trong suốt những năm tháng cuộc đời, khi chứng kiến ông Thanh lạnh lùng cũng phải rơi nước mắt trong giây phút đối mặt với sự sống còn của vợ mình.

Ca khúc về cha do ông Trần Quí Thanh và hai người con gái là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích mở màn cho vở kịch

Những phân cảnh trong vở kịch

Bằng những tình tiết cao trào, vở kịch khiến cho bất kì khán giả nào cũng có thể nhìn thấy mình đâu đó trong những giá trị tình cảm gia đình thiêng liêng. Khán giả Nguyễn Thị Truyền, chia sẻ sau suất diễn đầu tiên: “Cảm xúc của tôi bây giờ vẫn còn lâng lâng, vì vở kịch làm tôi nhớ lại những ngày tháng khó khăn của gia đình mình. Từ đó mình càng hiểu thêm rằng, tình thân, tình gia đình chính là nền tảng che chở cho gia đình trước những sóng gió”.

Khán giả trầm lặng trước những tình tiết của vở kịch

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến nhân vật đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả – Cô Nụ, hình ảnh của bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Thanh. Người đàn bà “thép” đã hi sinh rất nhiều vì gia đình và cũng là hậu phương vững chắc luôn đồng hành cùng ông Thanh trên con đường “vươn ra biển lớn”. Cá tính mạnh mẽ, sự thông minh, khéo léo và lòng bao dung của cô Nụ đã tạo ra hình ảnh của người phụ nữ Á Đông với những đức tính đáng quý.

“Ấn tượng với mình nhất là vai diễn Madam Nụ, bởi vì qua hình ảnh của cô Nụ, mình cảm nhận rằng là một người phụ nữ trong gia đình thật sự rất khó. Vừa vun đắp cho hạnh phúc của gia đình nhỏ, vừa phải thấu hiểu và đồng cảm với ý chí của người chồng. Để làm được trọn vẹn thì đó phải là sự hy sinh rất lớn”, chị Phạm Thị Kim Phượng chia sẻ cảm xúc về vở kịch.

Nhân vật Cô Nụ, vợ của Tổng Giám đốc Trần Quí Thanh lấy đi nhiều nước mắt của khán giả

Một điều đặc biệt, làm nên sự thành công của vở diễn Chuyện nhà Dr.Thanh chính là dàn diễn viên đã ròng rã tập luyện gần 3 tháng. Họ là những người không chuyên đến từ các phòng ban của Tân Hiệp Phát đã nỗ lực tập dượt dưới sự hướng dẫn của Nhà biên kịch Lê Chí Trung và đạo diễn Phùng Nguyên để làm nên sự thành công rực rỡ cho vở diễn.

Dàn diễn viên xuất thân từ nhân viên các phòng ban Tân Hiệp Phát là nhân tố làm nên sự thành công của vở diễn

Lê Châu