7 mùa xuân tôi “Tôi làm chủ” Tại Tân Hiệp Phát

“Mày khác xưa quá!” – Cậu bạn thời đại học thốt lên khi gặp tôi tuần trước trong đám cưới nhỏ bạn cùng lớp. Ngẫm lại, từ lúc tốt nghiệp đến giờ hai đứa mới gặp lại nhau. Sau ngần ấy thời gian thì ai mà chả khác đi bởi lẽ “điều duy nhất bất biến trong cuộc sống chính là sự thay đổi”. Rời ghế nhà trường, tôi băn khoăn tìm cho mình một lối đi, và rồi tôi đến với Tân Hiệp Phát.

Tôi và Tân Hiệp Phát đã đi bên nhau được hơn bảy năm, gần một phần ba đường đời của tôi hiện nay. Sống và làm việc nơi đây tôi đã thay đổi nhiều điều, và hiển nhiên, những hành động của tôi cũng góp phần thay đổi Tân Hiệp Phát. Hơn tất cả, điều lớn nhất mà tôi học được nơi đây chỉ vỏn vẹn một từ hai chữ “làm chủ”.

Trái ngược với “làm chủ” là gì? – đó là câu hỏi do Dr. Thanh hỏi tất cả chúng tôi trong một buổi họp. Một cách vô thức từ “làm công” xuất hiện trong đầu tôi. Nhưng với Dr. Thanh – chủ của một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam – Người cũng đang làm công cho người tiêu dùng và nếu một ngày người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm của Tân Hiệp Phát nữa, Người sẽ thất nghiệp. Tôi như chợt tỉnh khỏi giấc mộng của cuộc đời mình.

Bạn sẽ đọc được câu này khi ngồi chờ gặp Dr. Thanh ở trước văn phòng CEO: “Hãy giữ thái độ của người làm chủ ngay từ khi bạn là nhân viên để trong tương lai bạn có thể trở thành chủ”. Ở đây, không phải đến khi tự vận hành một công việc kinh doanh của riêng mình thì chúng ta mới là chủ. Ngay tại thời điểm này, chúng ta đang làm chủ cuộc đời của chính mình, làm chủ công việc của chính mình. Chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm cho mỗi bước mà ta đi, mỗi hành động mà ta làm. Theo đó, dù thành hay bại thì cũng do mình không phải do bất kỳ ai khác.

Vì vậy, trái ngược với “làm chủ” chính là “nạn nhân”. Nếu ta luôn thấy ta là nạn nhân của những người xung quanh mà không thấy trách nhiệm của mình để thay đổi cuộc sống của chính mình thì không ai có thể giúp ta thay đổi được. Thật vậy, điều duy nhất mà tôi có thể thay đổi và kiểm soát trong đời mình thì hẳn đó là chính tôi.

“Nhân chi sơ – tính bổn thiện

Tính tương cận – tập tương viễn”

Khi mới sinh ra, bản tính con người là “tương cận” nghĩa là không khác nhau nhiều lắm. Dần dần, môi trường sống, sự giáo dục sẽ khiến mỗi con người khác nhau rất xa – “tương viễn”. Trước hết, ta cần khẳng định rằng môi trường xung quanh, nền tảng giáo dục từ tấm bé góp phần rất quan trọng vào việc hình thành và phát triển con người. Từ trước khi lọt lòng mẹ, chúng ta đã bắt đầu tiếp nhận thông tin về môi trường xung quanh, khi còn bé, tất cả những hành động, cách hành xử của những người xung quanh bắt đầu định hình thế giới quan và nhân sinh quan của chúng ta.

Nhưng không có nghĩa vì thế mà ta đổ lỗi cho hoàn cảnh mà ta không được bằng bạn bè. Bởi lẽ, nếu so sánh, có những bạn xuất phát điểm về gia đình, về kinh tế, về nền giáo dục chỉ bằng và kém hơn ta, nhưng lại đi nhanh và tiến xa hơn chúng ta. Phải chăng tại bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời, chúng ta cũng có thể bắt đầu một hành trình mới?

Có những điều trong cuộc sống chúng ta không thay đổi được, nhưng chắc chắn chúng ta có thể thay đổi chính mình. Cuộc chiến sinh tồn trong xã hội hiện đại chỉ dành cho những ai đủ khả năng giữ được sự tập trung, kiên định dù con đường phía trước nổi giông tố, kẻ vượt qua nỗi ám ảnh trong chính tâm trí của mình chính là người chiến thắng.

Những khoảnh khắc xám xịt trong đời bạn đầy hụt hẫng, đau đớn và bất an lại mang đến cơ hội để bạn khám phá kho báu bên trong mà bạn đã vô tình sở hữu. Vận mệnh không phải nằm trên những đường chỉ tay mà là cả con người bạn. Cuối cùng, dù trong hoàn cảnh nào hãy luôn làm chủ vận mệnh của mình!

Tăng Thảo Quyên – Khối Nghiên cứu và Phát triển (R&D)

Nguồn: https://tranquithanh.com/thp-trong-toi-7-mua-xuan-toi-lam-chu/ (bài viết từ cuộc thi THP trong tôi)

Leave a Reply