Kinh tế tuần hoàn, vừa bảo vệ môi trường, vừa có lợi ích kinh tế

Việt Vũ / Báo Công Luận

Nỗ lực của Việt Nam khi khuyến khích phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn

Tháng 6/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 687, phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Trong Quyết định này, Chính phủ đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

kinh te tuan hoan vua bao ve moi truong vua co loi ich kinh te hinh 1
Tái chế, xử lý chất thải nhựa phát sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. (Ảnh: THP)

Đồng thời, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tai sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây, giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Bên cạnh các mục tiêu đã đặt ra, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cũng chủ động ban hành các chính sách có tính đột phá, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp giảm chất thải nhựa và hướng tới việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra các khái niệm rõ ràng về kinh tế tuần hoàn, từ đó xây dựng các quy định, cơ chế khuyến khích khi thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế.

Chưa dừng lại tại đó, nhằm thực hiện các mục tiêu của phát triển kinh tế tuần hoàn, vào các năm 2020 và năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33  và Quyết định 1316, nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

Ông David Riddle, Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, Việt Nam nổi tiếng với những bãi biển đẹp và những bờ biển nắng vàng rực rỡ. Tuy nhiên, ở một số bãi biển, hay vỉa hè ở các khu đô thị đang tràn ngập rác thải nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái và cả sức khỏe con người.

“Ít nhất 10.000 tấn rác thải nhựa bị thải ra biển và đường thủy của Việt Nam mỗi năm. Hầu hết, rác thải nhựa gây ô nhiễm đường thủy l đồ dùng một lần và các mặt hàng có giá trị thấp, như túi nhựa, hộp đựng thức ăn và ống hút”, ông David Riddle đánh giá.

Do đó, để bảo tồn đại dương, bảo tồn những bãi biển và những viên ngọc du lịch tiềm ẩn, ông David Riddle cho rằng, Việt Nam cần có thêm hành lang pháp lý thật mạnh mẽ, quy định trách nhiệm cụ thể được xác định cho nhà sản xuất và nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí quản lý chất thải cho các sản phẩm thải bỏ.

kinh te tuan hoan vua bao ve moi truong vua co loi ich kinh te hinh 2
Ông David Riddle, Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát. (Ảnh: THP)

Dù vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài các chính sách của nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cần đồng hành với nhau, thực hiện các cam kết trong việc xây dựng kinh tế tuần hoàn.

“Tôi đánh giá rất cao nỗ lực và các hành động thiết thực của Việt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan tới rác thải nhựa, nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau đồng hành, hợp tác để hạn chế hết mức có thể nhựa sử dụng một lần, nhằm phát triển Việt Nam trở thành một quốc gia xanh hơn”, ông David Riddle khẳng định.

Kinh tế tuần hoàn, vừa bảo vệ môi trường, vừa có lợi ích kinh tế

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn đã chủ động xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn và đã đạt được nhiều thành công bước đầu.

Trong nhiều năm, Tân Hiệp Phát đã đầu tư vào công nghệ vô trùng Aseptic của Đức nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cao nhất và lợi ích dinh dưỡng, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Công nghệ này cũng đã giúp Tân Hiệp Phát giảm thiểu lượng nhựa sử dụng trong quá trình sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai nhựa.

kinh te tuan hoan vua bao ve moi truong vua co loi ich kinh te hinh 3
Công nghệ vô trùng Aseptic đã mang lại hiệu quả trong việc giảm chất thải nhựa. (Ảnh: THP)

Ông David Riddle tiết lộ, trên thực tế, từ mười năm trước, tức là vào năm 2013, Tân Hiệp Phát đã triển khai dự án làm nhẹ chai nhựa, giúp trọng lượng của mỗi chai giảm xuống gần 20%. 

“Đầu tư vào công nghệ Aseptic không chỉ giúp trọng lượng chai nhựa giảm, mà còn giúp giảm hao hụt trong quá trình sản xuất và giảm cả điện và nước sử dụng”, ông David Riddle chia sẻ.

Sau 5 năm triển khai, tính đến năm 2018, Tân Hiệp Phát đã có thể giảm trọng lượng chai hơn nữa cùng với đó là lượng rác thải nhựa giảm 34.000 tấn. 

Cho tới nay, thời điểm năm 2023, mức giảm là 44.000 tấn. Như vậy, sau gần 10 năm triển khai dự án làm nhẹ chai nhựa, tổng cộng 78.000 tấn rác thải nhựa đã được loại bỏ trong khoảng thời gian này.

Chưa dừng lại tại đó, Tân Hiệp Phát tiếp tục triển khai nhiều dự án khác, như tái chế, tái sử dụng màng co, túi nhựa do công ty sản xuất làm túi đa năng để đựng phôi và nắp… 

Tân Hiệp Phát cũng loại bỏ việc sử dụng hộp các tông thay thế chúng bằng màng co làm từ nhựa tái chế.

Từ năm 2021, Tân Hiệp Phát đã vận hành dây chuyền tái chế nhựa. Trọng tâm của khả năng tái chế này là sản xuất pallet và viên nén từ nhựa thải để sử dụng trong chính các nhà máy của Tân Hiệp Phát và trong tương lai sẽ cung ứng cho những đơn vị muốn thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất của họ bằng nguyên liệu tái chế.

Ông David Riddle nhấn mạnh, việc chủ động phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vừa đáp ứng được các tiêu chí bảo vệ môi trường, vừa mang lại các lợi ích kinh tế đáng kể.

“Vươn tới được nền kinh tế tuần hoàn bền vững không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, do đó cần có sự chung tay của tất cả chúng ta. Chúng tôi cam kết hợp tác cùng với các doanh nghiệp khác, cũng như các cơ quan và cơ quan chính phủ có liên quan để đẩy mạnh hơn quá trình “kinh tế tuần hoàn hóa” trong doanh nghiệp”, lãnh đạo của Tân Hiệp Phát nói.

Nguồn: https://www.congluan.vn/kinh-te-tuan-hoan-vua-bao-ve-moi-truong-vua-co-loi-ich-kinh-te-post270368.html